Thiết kế không gian sống tối giản (minimalism)

Thiết kế không gian sống tối giản (Minimalism)

Với nhịp độ cuộc sống ngày càng nhanh, tính cạnh tranh trong công việc ngày càng lớn và mật độ ngày càng chật hẹp. Một không gian thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng và tiện nghi theo phong cách tối giản trở thành điều mà mọi người mơ ước. Phong cách tối giản hay còn gọi là minimalism đang là một xu thế mới nhận được sự ưa chuộng của nhiều người ưa thích sự đơn giản, không thích sự rườm rà trong cách bố trí không gian nhà ở. Qua bài viết này Nam Gia Phát hi vọng sẽ giúp bạn có thêm ý tưởng để thiết kế không gian sống tối giản phù hợp với gia đình của mình. 

Thiết kế không gian sống tối giản (Minimalism)
Thiết kế không gian sống tối giản với tông màu ấm áp

Phong cách minimalism là gì?

Nguồn gốc của xu hướng thiết kế không gian tối giản bắt nguồn từ sự cô đọng của chủ nghĩa hiện đại, kết hợp với chủ nghĩa hậu hiện đại. Phong cách mang màu sắc hoàn toàn mới của thời kỳ đương đại. Chủ nghĩa tối giản được bắt nguồn từ một phong cách nghệ thuật vào những năm 1960. Đây là khuynh hướng đa dạng của nghệ thuật về thị giác và âm nhạc mà các tác giả được tối giản về các yêu cầu cần có. Chủ nghĩa này ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, trong đó lĩnh vực kiến trúc và thiết kế nội thất ứng dụng sự đơn giản và tinh tế của nó vào hạng mục nhà ở khá nhiều. 

Ludwig Mies van der Rohe (1886 – 1969) một trong những kiến trúc sư có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20 và được biết đến người đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên phong cách tối giản. Trong gần một thế kỷ, phong cách thiết kế tối giản của ông đã trở nên rất phổ biến với những nguyên tắc không gian đơn giản, gọn gàng, tinh tế và chú trọng tới các đường nét cơ bản như đường thẳng, đường vuông góc. Câu châm ngôn nổi tiếng của ông “less is more” vẫn được sử dụng rộng rãi, ngay cả với những người không biết về nguồn gốc của nó. Nguyên tắc này một lần nữa khẳng định sự giản dị, tinh tế, rút gọn mọi thứ xuống thành những điều cơ bản và loại bỏ những chi tiết thừa. Minimalism tối giản đơn sắc nhưng vẫn sang trọng và được thị trường ưa chuộng. Có thể hiểu là đi đến tận cùng của sự đơn giản, đơn giản hết mức có thể.

Phong cách minimalism trong kiến trúc

Lĩnh vực kiến trúc bị ảnh hưởng của phong cách thiết kế tối giản hiện đại (minimalism) hướng đến giá trị không gian. Nó xác định chính không gian tạo nên cảm xúc chứ không phải là đồ nội thất hay trang trí đẹp. Trong kiến trúc tối giản, những yếu tố trang trí đẹp mặt được hạn chế. Thay vào đó, ánh sáng và các đường nét hình học lại được chú trọng trở thành yếu tố thẩm mỹ qua thị giác.

Những điểm tạo nên phong cách tối giản

1. Nội thất

Chủ nghĩa tối giản minimalism là giữ cho một không gian đơn giản, gọn gàng và làm nổi bật các đường nét trong không gian trở nên cuốn hút. Đồ nội thất mộc mạc đầy đủ công năng và xây dựng giải pháp tăng ánh sáng tự nhiên mang đến sự nhẹ nhàng, thư thái. 

Được xây dựng trên nền tảng triết lý “less is more” nên việc trang trí nội thất căn nhà phong cách minimalism hướng sự chú ý đến những đường nét và kết cấu được ẩn giấu bên dưới. Đi ngược lại với các tiêu chuẩn trang trí nội thất truyền thống về việc làm phong phú không gian bên trong với các vật dụng và chi tiết trang trí phức tạp. Phong cách này hướng đến việc loại bỏ các vật dụng thừa thãi nhằm giữ một không gian hoàn hảo được tạo nên bởi những mảng tường, mảng trần phẳng, đồng nhất với những đường thẳng, hình khối đơn giản, tinh tế. Việc loại bỏ, hạn chế các chi tiết, màu sắc không cần thiết nhằm hướng sự tập trung cho không gian. Sự đa dạng trong cái thống nhất, đó chính là nguyên tắc cao nhất trong cái đẹp.

2. Màu sắc

Bên cạnh việc hạn chế những món đồ nội thất thì việc hạn chế màu sắc cũng là một trong những nguyên tắc trong thiết kế phong cách tối giản. Không nên lạm dụng quá nhiều màu sắc trong cùng một không gian, và hợp lý nhất chỉ là tối đa 4 màu. Sử dụng nguyên tắc màu sắc 6–3–1, với nguyên tắc này nghĩa là 60% cho tone màu chủ đạo (primary), 30% cho màu cấp 2 (secondary) và màu nhấn cho 10% còn lại. Những màu sắc sẽ thuộc những gam màu trung tính giúp mang lại sự trang nhã và nét tinh tế trong không gian.

Tông màu đặc trưng của phong cách nội thất tối giản bao gồm các màu sắc tự nhiên nhẹ nhàng, mềm mại như màu xám và được làm dịu đi bởi các tông màu be và màu trắng. Việc lựa chọn màu sắc về trạng thái đơn giản nhất giúp tạo ra không gian thoải mái, tươi sáng và trang nhã. Qua đó cũng giúp gia chủ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn các món đồ nội thất.

3. Hiệu ứng ánh sáng

Đối với phong cách tối giản thì ánh sáng tự nhiên và nhân tạo đều được xem là một trong những vũ khí vô cùng quan trọng trong thiết kế không gian. Bởi vì thông qua ánh sáng sẽ giúp cho những món đồ trở nên lung linh hơn, mỗi màu sắc ánh sáng khác nhau đều sẽ tạo điểm nhấn riêng cho một không gian nhất định.

Khi bạn bố trí không gian của mình một cách có tổ chức thì mọi thứ sẽ đủ đầy dù trông có vẻ rất ít. Đó là lý do khi sống trong một không gian minimalism thật sự, bạn sẽ cảm nhận đầy đủ sự phong phú của đơn giản chứ không phải sự trống rỗng. Hy vọng bài viết này đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn!

Thúy Vy

Tham gia thảo luận

Compare listings

So sánh